Tăng huyết áp – “Kẻ giết người thầm lặng”
Không ngay lập tức gây tình huống nghiêm trọng như đột quỵ, cũng không hiện diện bằng những triệu chứng dữ dội, tăng huyết áp lặng lẽ “gặm nhấm” cơ thể người bệnh qua từng ngày.

Sáng 15/5, báo Dân trí tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Chủ động bảo vệ tim mạch, huyết áp – Sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả” (Ảnh: Hải Long).
Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 17,9 triệu người tử vong do các bệnh lý tim mạch. Trong số đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Tại Việt Nam, số ca mắc tăng huyết áp không ngừng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Đáng nói hơn, đa số người bệnh phát hiện tình trạng của mình khi bệnh đã tiến triển, thậm chí chỉ sau một tai biến nặng.
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Chủ động bảo vệ tim mạch, huyết áp – Sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả” do báo Dân trí tổ chức sáng 15/5, BSCKI Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”.

BSCKI Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Hải Long).
Theo BS Thiệu, các bệnh lý về tim mạch, huyết áp thường diễn ra rất âm thầm. Các triệu chứng ban đầu không rõ ràng. Người bệnh vẫn sinh hoạt, làm việc như bình thường nên dễ chủ quan.
Điều nguy hiểm nằm ở chỗ: Trong suốt thời gian ấy, huyết áp cao đã âm thầm gây tổn thương đến mạch máu, tim, thận, mắt và não. Tăng huyết áp không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mà còn có thể dẫn đến suy tim, suy thận, mù lòa và tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời.
“Đáng chú ý, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, chúng ta thường cho rằng tăng huyết áp là bệnh của người cao tuổi, nhưng lối sống hiện đại – ít vận động, ăn mặn, thức khuya, stress kéo dài, sử dụng rượu bia, thuốc lá… – đã khiến độ tuổi mắc bệnh tim mạch và huyết áp ngày càng trẻ hóa.
Nhiều người dưới 40 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi, đã được chẩn đoán tăng huyết áp. Việc kiểm tra huyết áp định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần, không chỉ giúp phát hiện bệnh sớm mà còn tạo thói quen theo dõi sức khỏe chủ động”, BS Thiệu chia sẻ.
Loạt sai lầm khi kiểm soát huyết áp khiến bệnh càng thêm nặng
Cao huyết áp là vấn đề nổi cộm, đáng nói, trong việc kiểm soát huyết áp vẫn ghi nhận nhiều sai lầm của người bệnh khiến tình trạng này lại càng nguy hiểm.
Theo Dược sĩ Nguyễn Văn Tiến Đức, Giám đốc Dược, Hệ thống nhà thuốc Pharmacity, một trong những lỗi phổ biến nhất của người bệnh là tự ý ngừng thuốc khi thấy huyết áp đã “về bình thường”.
“Nhiều người uống thuốc được một thời gian, thấy huyết áp ổn định thì ngưng vì tưởng mình đã khỏi. Nhưng thật ra, huyết áp ổn chính là nhờ thuốc đang phát huy tác dụng”, DS Đức nhấn mạnh.
Việc không tuân thủ đều đặn cũng vô tình làm giảm hiệu quả điều trị. Trong khoảng thời gian bỏ liều, nếu xuất hiện các yếu tố nguy cơ như thời tiết nắng nóng (như hiện nay tại Hà Nội), căng thẳng công việc hoặc thức khuya, huyết áp có thể tăng đột ngột. Nếu cơ thể đã được duy trì liều thuốc đầy đủ, những đợt tăng huyết áp kịch phát này có thể được kiểm soát tốt hơn.

Nhiều người uống thuốc được một thời gian, thấy huyết áp ổn định thì ngưng vì tưởng mình đã khỏi. Nhưng thật ra, huyết áp ổn chính là nhờ thuốc đang phát huy tác dụng.
Cũng theo DS Đức, có không ít người mang tâm lý lo sợ lệ thuộc thuốc, sợ phải uống suốt đời nên ngần ngại tuân thủ điều trị, đặc biệt là người trẻ. Họ nghe theo truyền miệng, các bài thuốc dân gian, hoặc tự ý thay thuốc, đổi liều – những hành động tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng.
Trong chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng cho người dân tại Thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa do báo Dân trí phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Pharmacity tổ chức, cũng ghi nhận nhiều vấn đề đáng lo ngại về tuân thủ điều trị của người bệnh tăng huyết áp.

Chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng cho người dân tại Thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa do báo Dân trí phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Pharmacity tổ chức (Ảnh: Thành Đông).
Theo BS Thiệu, trong chuyến công tác đã ghi nhận bệnh lý tăng huyết áp ở người cao tuổi xuất hiện rất phổ biến. Nhiều cụ không chỉ mắc tăng huyết áp mà còn kèm theo các bệnh lý khác như tiểu đường, gút, suy thận, bệnh phổi hoặc lao phổi.
Một điểm đáng chú ý là có không ít cụ chưa từng biết mình mắc tăng huyết áp. Trong khi đó, một số cụ đã được chẩn đoán, đang nhận thuốc và được theo dõi hàng tháng, nhưng vẫn tỏ ra chủ quan.

Kiểm tra huyết áp cho người dân trong chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng và tặng quà tại Thanh Hóa (Ảnh: Thành Đông).
“Đáng lo ngại, có cụ khi đo huyết áp lên đến 220mmHg nhưng vẫn cho rằng mức này là bình thường vì trước đó từng thấy chỉ số 240-260mmHg. Những quan niệm sai lầm như vậy tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, bởi việc duy trì huyết áp ở ngưỡng cao liên tục dễ dẫn đến tai biến hoặc đột quỵ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, BS Thiệu phân tích.
Đồng quan điểm, DS Đức nhận định, trong chuyến thiện nguyện vừa qua, bên cạnh việc cung cấp hướng dẫn điều trị đúng đắn, điều quan trọng hơn cả là giúp bà con hiểu rõ vì sao cần uống thuốc huyết áp đầy đủ và đều đặn.
Các dược sĩ của Pharmacity đã đồng hành cùng đội ngũ bác sĩ, trực tiếp trò chuyện và giải thích để bà con nhận thức được rằng việc uống thuốc đúng cách thực chất là phương pháp tiết kiệm nhất để bảo vệ sức khỏe.


“Việc duy trì điều trị đều đặn giúp bảo vệ tim mạch, thận, thị lực và làm giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hay đau thắt ngực. Khi tuân thủ điều trị, bà con có thể giữ được nhịp sinh hoạt bình thường, duy trì chất lượng sống ổn định.
Ngược lại, nếu chủ quan, không uống thuốc vì lý do địa lý hoặc tâm lý ngại ngần, bệnh có thể tiến triển nhanh hơn, dẫn đến suy tim và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác”, DS Đức cho hay.
Cũng theo DS Đức, có một tình trạng phổ biến là nhiều người tự mua thuốc tim mạch theo đơn cũ mà không đi khám lại.
“Phần lớn những câu trả lời mà các dược sĩ sẽ nhận được là: “Huyết áp của cô lâu nay ổn rồi nên không cần tái khám, cô cứ mua theo duy trì đơn thuốc cũ mà thôi”.
Điều này sẽ dẫn đến nguy hiểm về chăm sóc, điều trị. Bởi vì diễn biến và đặc thù của bệnh có thể thay đổi theo thời gian”, DS Đức chia sẻ.
Theo chuyên gia này, nếu vẫn tiếp tục duy trì đơn cũ, uống lặp đi lặp lại, không tái khám theo y lệnh của bác sĩ sẽ dẫn đến những rủi ro về sức khỏe như: không phát hiện được kịp thời bệnh nền hay những thay đổi về cơ quan, điển hình là chức năng gan, thận để có thể điều chỉnh thuốc kịp thời.
Tình trạng này dẫn đến không đáp ứng được điều trị một cách tối ưu và bảo vệ được sức khỏe về tim mạch một cách tốt nhất.
Những lưu ý để kiểm soát tốt chỉ số huyết áp
Các chuyên gia nhấn mạnh, để bảo vệ bản thân trước tăng huyết áp cũng như các bệnh lý tim mạch, trước hết người dân cần tuân thủ khám bệnh định kỳ. Khi phát hiện tình trạng bệnh, cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Bên cạnh đó, có các lưu ý đặc biệt sau:
Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh
Theo BS Thiệu, để kiểm soát tốt huyết áp, trước hết cần điều chỉnh lại lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học và lành mạnh.
Người bệnh cần xem xét lại khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, loại bỏ các yếu tố có thể làm tăng huyết áp như ăn mặn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, tiêu thụ rượu bia hay các chất kích thích.

Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học rất quan trọng trong kiểm soát huyết áp (Ảnh: Getty).
Bên cạnh đó, thay đổi thói quen vận động cũng đóng vai trò quan trọng – khuyến khích thực hiện các bài tập nhẹ nhàng mỗi ngày để hỗ trợ ổn định huyết áp và giảm dần về mức an toàn, lý tưởng.
Cẩn trọng khi có nhiều bệnh lý nền
Theo BS Thiệu, đối với người bệnh có bệnh lý nền, đặc biệt là mắc nhiều bệnh cùng lúc, việc thăm khám sức khỏe định kỳ tại các chuyên khoa như tim mạch, nội tiết hay các chuyên khoa liên quan là hết sức cần thiết.
Trong quá trình khám, người bệnh nên chủ động trao đổi đầy đủ với bác sĩ về các bệnh lý đang mắc phải và các loại thuốc đang sử dụng.
Tốt nhất, người bệnh nên mang theo thuốc đang dùng, đơn thuốc gốc, hoặc ít nhất là ảnh chụp đơn thuốc để bác sĩ có thể nắm rõ tình trạng điều trị hiện tại.
Việc này giúp bác sĩ lựa chọn những loại thuốc phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đến các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh thận, hoặc tránh tình trạng tương tác bất lợi giữa các loại thuốc.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể điều chỉnh phác đồ điều trị nhằm giảm thiểu tương tác thuốc, tăng hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt quá trình kiểm soát bệnh lý mãn tính. Đây là yếu tố then chốt để người bệnh được theo dõi và điều trị một cách hiệu quả, toàn diện hơn.
Lưu ý về tương tác thuốc
Theo DS Đức, tương tác thuốc là vấn đề cần lưu ý khi đang sử dụng nhiều loại thuốc điều trị cùng lúc.
Do đó, bác sĩ luôn yêu cầu người bệnh cung cấp thông tin về các loại thuốc đang sử dụng. Bởi lẽ, ngay cả những loại thuốc không kê đơn cũng có thể gây tương tác bất lợi với thuốc điều trị huyết áp.

Tương tác thuốc là vấn đề cần lưu ý khi đang sử dụng nhiều loại thuốc điều trị cùng lúc (Ảnh: Getty).
Ví dụ, một số thuốc kháng viêm, giảm đau không chứa steroid – thường gặp như diclofenac hay ibuprofen – có thể làm giảm hiệu quả của nhóm thuốc ức chế men chuyển (thuốc hạ huyết áp), đồng thời làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến chức năng thận. Điều này không chỉ cản trở hiệu quả điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người bệnh.
Tương tự, một số thuốc điều trị cảm cúm thông thường cũng chứa thành phần gây co mạch, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Vì vậy, dù là khi khám bệnh hay đến hiệu thuốc, người bệnh cần chủ động thông báo đầy đủ các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn chính xác và an toàn.
Mua thuốc huyết áp theo đơn bác sĩ, lựa chọn nhà thuốc uy tín
Theo DS Đức, người bệnh nên ưu tiên lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, có uy tín rõ ràng và cam kết minh bạch về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Việc đảm bảo nguồn thuốc an toàn, đúng chuẩn không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn nâng cao hiệu quả điều trị trong các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp.

Người bệnh nên ưu tiên lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, có uy tín rõ ràng và cam kết minh bạch về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm (Ảnh: Pharmacity).
Chuyên gia này cũng lưu ý, việc mua thuốc điều trị huyết áp trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe người dùng. Trước hết, theo quy định hiện hành, thuốc điều trị huyết áp là thuốc kê đơn và bắt buộc phải có chỉ định từ bác sĩ.
Hiện tại, pháp luật chưa cho phép mua bán thuốc kê đơn, bao gồm cả thuốc huyết áp, thông qua các kênh thương mại điện tử.