Sự kiện Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) mới đây ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô ở Khu công nghiệp Hưng Phú – Khu kinh tế tỉnh Thái Bình, đã phần nào chứng minh tham vọng của hãng ô tô từng lớn nhất Trung Quốc.
Bước đi cẩn trọng và tham vọng lớn
Chery không phải là cái tên quá xa lạ với người Việt bởi cách đây 14 năm, hãng xe Trung Quốc đã “bắt tay” với Công ty ô tô Hoà Bình (VMC) của Việt Nam để tung ra sản phẩm ô tô lắp ráp giá rẻ. Tuy nhiên, mối lương duyên này chỉ kéo dài khoảng 5 năm thì chấm dứt trong bối cảnh ô tô Trung Quốc nói chung không đạt được thành công, thậm chí là nhận lại sự “ghẻ lạnh” của người Việt do chất lượng thua kém ô tô Mỹ, Nhật, Hàn.
Ở lần trở lại thứ 2, Chery đã có bước đi cẩn trọng, thể hiện bằng việc bỏ ra gần 2 năm cho công tác chuẩn bị, thăm dò thị trường. Từ cuối 2021 đến 2022, họ đã cử các nhân viên người Việt tổ chức hàng trăm buổi tiếp xúc với giới chuyên gia, KOL, phóng viên mảng ô tô để thu thập dữ liệu thị trường ô tô Việt Nam.
Đến tháng 9/2022, thông tin về việc Geleximco thuê đất trong khu công nghiệp ở tỉnh Thái Bình để làm ô tô rộ lên, nhưng cái tên đối tác làm ô tô với đại gia Vũ Văn Tiền vẫn trong vòng bí mật. Thậm chí nhiều báo chí, truyền thông chỉ đích danh Chery nhưng đại diện hãng xe Trung Quốc vẫn không phản hồi xác nhận. Ngay cả trước thời điểm ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy với Geleximco hôm 2/11, ba mẫu xe Jaecoo 7, Omoda 5 và Omoda S5 đã âm thầm có mặt tại Việt Nam trước hàng tháng trời để thăm dò ý kiến khách hàng cũng như hoàn thiện các thủ tục.
Như vậy, sau BYD và SAIC, Chery là hãng xe Trung Quốc thứ ba thông báo quay trở lại Việt Nam trong năm 2023 và tuyên bố xây dựng nhà máy lắp ráp. Nhưng về quy mô, Chery cho thấy tham vọng lớn hơn 2 đối thủ đồng hương.
Trong khi BYD hồi tháng 5/2023 và SAIC vào tháng 6/2023 mới chỉ đưa ra tuyên bố hoặc mượn lời truyền thông loan báo kế hoạch xây dựng nhà máy ô tô ở Việt Nam với sản lượng loanh quanh 100.000 đến 150.000 xe/năm, và giá trị số tiền đầu tư chưa rõ ràng thì với Chery, con số cũng như lộ trình được vạch sẵn.
Nhà máy liên doanh với Geleximco sẽ có nhu cầu diện tích khoảng 100ha đáp ứng quy mô sản xuất 200.000 xe/năm và 100ha phát triển khu công nghiệp phụ trợ phục vụ nhu cầu nội địa hóa để xuất khẩu. Dự kiến Tập đoàn Geleximco sẽ khởi công xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý II/2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý III/2025, ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025. Ước tính giá trị gói đầu tư khoảng 800 triệu USD.
Dung lượng thị trường ô tô Việt Nam hàng năm hiện chỉ đạt từ 300.000-400.000 xe/năm, nhưng sức hút của ngành sản xuất ô tô vẫn rất lớn khi dự báo chạm ngưỡng 1 triệu xe vào năm 2028-2030. Trong khi đó, 3 “ông lớn” lắp ráp xe ở Việt Nam là Hyundai Thành Công đang tiến đến mức công suất 170.000 xe/năm, THACO là 150.000 xe/năm cho hai thương hiệu Mazda, KIA, và Vinfast là 250.000 xe/năm. Vì vậy, đầu tư giai đoạn này, Chery chắc chắn không hề dạo chơi mà muốn thực hiện mục tiêu sớm “full” công suất 200.000 xe/năm, đón trước thời điểm bùng nổ ô tô ở Việt Nam.
Thách thức không nhỏ
Tương lai của sự hợp tác giữa Geleximco và Chery dựa trên những con số công bố sau lễ ký kết ghi nhớ hợp tác hoàn toàn có thể vẽ ra bức tranh tươi sáng. Tuy nhiên, viễn cảnh trước mắt cũng không hề dễ dàng.
Đầu tiên phải kể đến làn sóng xe ô tô Trung Quốc đang trỗi dậy ở Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây. Bên cạnh nhà phân phối tư nhân lâu đời Kylin (bán các xe Zoyte, BAIC, HongQi, Beijing), hàng loạt các thương hiệu Trung Quốc đã đặt chân vào Việt Nam như Wuling, Haima, Haval, hay sắp tới có thêm Lynk & Co. Vì vậy, “miếng bánh” thị phần ô tô Trung Quốc vốn đã nhỏ bé ở Việt Nam nay sẽ càng phải chia nhỏ.
Thứ hai, thông qua các sản phẩm thương mại hiện tại của ô tô Trung Quốc giới thiệu đến người Việt, ngoại trừ mẫu xe điện giá rẻ Wuling, thì số còn lại đều ở phân khúc giá tương đương hoặc chỉ thấp hơn một chút so với xe Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Dù không phủ nhận sự đổi mới về mặt công nghệ và thẩm mỹ trên các dòng xe Trung Quốc hiện nay, nhưng thiện cảm của người tiêu dùng Việt Nam chưa thể sớm tăng lên do các định kiến từ quá khứ. Để thay đổi điều này, sẽ cần thời gian và nỗ lực kích cầu, trong đó có cả việc chạy đua giảm giá.
Giới chuyên gia cho rằng, rất khó để Geleximco xây dựng chiến lược hình ảnh chiếc xe “Make in VietNam” như kiểu của VinFast. Do đó, liên doanh với Chery hiển nhiên sẽ để tạo bàn đạp cho thương hiệu ô tô Trung Quốc xâm nhập vào thị trường khu vực Đông Nam Á, nơi các thương hiệu Chery, Jaecoo, Omoda đang tìm kiếm chỗ đứng thị phần.
Với kinh nghiệm 27 năm tham gia chuỗi cung ứng linh kiện và liên doanh sản xuất xe máy với Honda, Geleximco đủ hiểu đường đi nước bước để hợp tác sản xuất, nhưng với ô tô du lịch Trung Quốc thì từ trước đến nay chưa có một ví dụ thành công thực sự. Đây là thách thức mang tính biểu tượng bởi sự hợp tác Geleximco – Chery sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ truyền thông, cũng như người tiêu dùng.
Nhận định về các mẫu ô tô Chery, Jaecoo, Omoda sắp bán ở Việt Nam, anh Nguyễn Xuân Đạt (Hà Nội), sale có kinh nghiệm 15 năm bán xe chính hãng, cho rằng thời điểm hiện tại ô tô Trung Quốc không dễ có được thị phần tốt bởi cuộc chiến về giá.
“Năm nay xe ô tô lắp ráp trong nước đang được hưởng ưu đãi 50% trước bạ từ Chính phủ góp phần tăng nhu cầu người mua. Bên cạnh đó, THACO tạo nên cuộc chiến giảm giá, xuất phát từ mẫu xe Mazda CX-5 hạ gần trăm triệu đồng, kéo theo nhiều hãng xe khác buộc phải nhập cuộc. Trong khi đó, những mẫu xe Trung Quốc mới ra mắt gần đây của Haval, Haima giá không hề rẻ, và Omoda có vẻ cũng tương tự. Điều này làm giảm yếu tố cạnh tranh cho xe Trung Quốc”, anh Đạt nhận định.
Bạn có góc nhìn về việc Geleximco bắt tay sản xuất ô tô với Chery? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!