Ngày 5/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về trường hợp tai nạn nghiêm trọng. Nam thanh niên 26 tuổi ngã từ giàn giáo cao gần 2 mét xuống, bị thanh sắt hàng rào dài 1,7m đâm xuyên từ hạ sườn phải lên ngực trái.
“Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng thanh sắt giữ nguyên vị trí, nhợt nhạt, khó thở nhiều, hô hấp phổi trái mất toàn bộ”, TS.BS Ngô Vi Hải – Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực thông tin.
Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu cho người bệnh. Đáng nói, bác sĩ không thể tiến hành chụp X-quang cũng như chụp cắt lớp để đánh giá tổn thương bởi vị trí thanh sắt quá đặc biệt.
Kết quả siêu âm cấp cứu cho thấy lồng ngực trái đầy máu, xẹp hoàn toàn phổi trái, dịch máu trong ổ bụng mức độ vừa.
Các bác sĩ đánh giá thanh sắt gây tổn thương gan, phổi trái, không loại trừ tổn thương mạch máu lớn ở ngực – bụng.
“Cuộc hội chẩn đa chuyên khoa khẩn cấp được thực hiện, nhằm can thiệp mổ cấp cứu sớm nhất cho người bệnh”, TS Hải thông tin.
Trước khi gây mê, bệnh nhân được đặt dẫn lưu để giải phóng khoang màng phổi trái, dẫn lưu ra khoảng 1000ml dịch máu đen.
Trong ca phẫu thuật, nhận thấy thanh sắt đâm xuyên qua gan phải, qua cơ hoành vào lồng ngực trái, ekip mổ đã mở ngực trái nhằm tiếp cận tổn thương do thanh sắt gây ra.
“Vết thương tĩnh mạch chủ được ép lại một phần bởi thanh sắt được giữ nguyên vị trí, giúp bệnh nhân không tử vong ngay do mất máu cấp”, TS Hải cho biết.
Sau 4 tiếng phẫu thuật với nhiều căng thẳng, các bác sĩ kiểm soát tĩnh mạch chủ dưới trong màng tim, tĩnh mạch chủ dưới trong ổ bụng dưới gan và kiểm soát cuống gan, lên phương án sẵn sàng bù dịch tốc độ nhanh khi kẹp tĩnh mạch chủ để rút thanh sắt ra.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, thanh sắt được rút ra. Thanh sắt gây tổn thương khoảng 4cm rách ngang toàn bộ mặt trước tĩnh mạch chủ dưới, sang một phần tĩnh mạch trên gan.
Ngay sau khi rút thanh sắt, ekip phẫu thuật nhanh chóng xử lý các tổn thương, khâu phục hồi mạch máu, đường mật của phần mô gan bị đâm thủng…
Sau hơn 4 tiếng phẫu thuật, vết thương được xử lý thành công, bệnh nhân mất khoảng 2,5 lít máu trước và trong quá trình phẫu thuật.
TS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực đánh giá, bệnh nhân bị tổn thương phức tạp và nguy hiểm vì tổn thương cả tĩnh mạch chủ dưới, gan và phổi.
“Bất kể tổn thương đơn lẻ nào cũng có thể nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt tổn thương rách ngang tĩnh mạch chủ dưới vị trí trên tĩnh mạch gan là cực kỳ nguy hiểm và phức tạp, có thể gây mất máu, tử vong rất nhanh”, TS Hải nói.
Trong ca phẫu thuật, bệnh nhân cũng đối mặt với nguy cơ mất não sau mổ. Bởi khi kẹp tĩnh mạch chủ dưới để khâu phục hồi, lượng máu tuần hoàn về tim sẽ giảm đột ngột, gây tụt huyết áp, dẫn đến thiếu máu não, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng mất não sau mổ.
“Trong khi đó, việc kẹp tĩnh mạch trên gan kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn do nhiễm độc trầm trọng. Với tính chất nguy hiểm như vậy, y văn trên thế giới cũng ghi nhận có rất ít trường hợp tổn thương tĩnh mạch chủ dưới trên tĩnh mạch gan như trường hợp này được cấp cứu thành công”, TS Hải cho biết.
Sau ca mổ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, rút ống nội khí quản, tự thở tốt ngay sáng ngày hôm sau.
Sau 10 ngày điều trị, chiều 5/12 bệnh nhân được ra viện trong tình trạng ổn định.