Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe cộng đồng (The Journal of Epidemiology and Community Health) gần đây, những người đi ngủ và thức dậy vào những thời điểm khác nhau trong ngày có nguy cơ đột quỵ và bệnh tim cao hơn 26%, dù vẫn ngủ đủ giấc.
Tác giả chính nghiên cứu, Jean-Philippe Chaput, Đại học Ottawa (Canada), cho biết, ngay cả những người ngủ đủ 8 tiếng/ngày nhưng liên tục thay đổi thời gian thức dậy và đi ngủ cũng phải đối mặt với nguy cơ này.
“Do đó, mọi người nên cố gắng thức dậy và đi ngủ trong vòng 30 phút cùng một thời điểm mỗi đêm và mỗi sáng, kể cả cuối tuần. Nếu liên tục thay đổi giờ đi ngủ và thức dậy trong 5-6 ngày/tuần, bạn có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe không tốt”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Chaput cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày.
Theo đó, thức dậy cùng một khung giờ quan trọng hơn là đi ngủ cùng một thời điểm. Việc đảo lộn thời gian thức dậy có thể làm xáo trộn đồng hồ sinh học của bạn và gây ra nhiều bất lợi về sức khỏe.
“Nếu cần ngủ bù vào cuối tuần, bạn nên ngủ sớm và cố gắng thức dậy như thường ngày”, ông Chaput khuyến cáo.
Trong nghiên cứu, những người tham gia được đeo thiết bị theo dõi hoạt động trong 7 ngày để ghi lại lịch trình giấc ngủ, từ giờ đi ngủ, giờ thức dậy, thời gian ngủ và số lần thức giấc trong đêm. Từ đó, các chuyên gia sẽ tính điểm độ đều giờ giấc ngủ (SRI) theo thang điểm 100 cho mỗi người.
Từ kết quả, người tham gia được chia làm 3 nhóm: nhóm ngủ không đều (điểm SRI nhỏ hơn 71,6), nhóm ngủ không đều vừa phải (SRI từ 71,6 đến 87,3) hoặc nhóm ngủ đều đặn (điểm SRI lớn hơn 87,3). Sau đó, mọi người sẽ tiếp tục được theo dõi trong 8 năm tiếp theo.
Sau đó, các nhà khoa học phát hiện người ngủ không đều có khả năng bị đột quỵ, suy tim hoặc đau tim cao hơn 26% so với những người ngủ có giấc ngủ đều. Những người ngủ không đều vừa phải có nguy cơ cao hơn 8%.
Diệu Linh