Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm


Ngày 28/3, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác thu dung, phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trước tình hình bệnh đang diễn biến phức tạp.

Lý do TPHCM có 22 phường, xã được công bố hết dịch sởi

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, 3 tháng đầu năm, đơn vị ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm sởi vào điều trị, có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đó.

Từ tháng 10/2024 đến nay, sau khi TPHCM tổ chức các chiến dịch tiêm vaccine theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân ở thành phố đã giảm sâu. Kể cả tổng số ca mắc và tổng số trường hợp nặng, bệnh nhân ở các tỉnh đều chiếm ưu thế (trên dưới 70%). Trong đó, hầu hết là trẻ chưa chích ngừa hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm - 1

Đoàn công tác Bộ Y tế theo dõi khu vực sàng lọc bệnh sởi ban đầu của Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Về độ tuổi bệnh nhân, chiếm ưu thế là trẻ dưới 9 tháng tuổi, sau đó là nhóm 9-24 tháng tuổi và nhóm trẻ trên 60 tháng tuổi.

Trong năm 2024, có 1 trường hợp trẻ tử vong vì nhiều bệnh nền quá nhiều. Riêng 3 tháng đầu năm, có gần 300 ca nhiễm sởi nặng nhưng không có ca tử vong.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh nhân nghi ngờ mắc sởi sẽ được nơi này sàng lọc và phân luồng ngay tại cổng khoa Khám bệnh. Bệnh viện cũng có khu vực cách ly bệnh nhân ngay tại khoa Cấp cứu. Đây là khu vực riêng biệt, nằm ở cuối hành lang, thông khí tốt và có nhà vệ sinh riêng biệt.

Riêng khoa Nhiễm và khoa Hồi sức Nhiễm của đơn vị trang bị tổng cộng hơn 100 phòng cách ly. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng chuẩn bị 3 tình huống theo quy mô dịch từ nhỏ lẻ đến phức tạp để sẵn sàng phòng chống; có kế hoạch đấu thầu dự trữ thuốc, vật tư y tế từ đầu năm.

Bên cạnh đó, nơi này còn có nhiều biện pháp để bảo vệ nhóm nguy cơ, trong đó có việc tiêm ngừa sởi ngay khi trẻ đủ điều kiện.

Phía Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị ngành y tế cần tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến. Song song đó, phải tăng cường công tác tiêm chủng ngừa bệnh sởi tại các tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm - 2
Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm - 3

Trẻ được kiểm tra, ghi nhận tình trạng sức khỏe ở khu vực khoa Khám bệnh và khoa Cấp cứu (Ảnh: Hoàng Lê).

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, sau ngày 19/11/2024, toàn bộ các quận huyện trên địa bàn TPHCM đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi trên 95%. Sau đó, khi khảo sát thấy 50% số ca mắc nặng là trẻ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi, TPHCM tiếp tục gửi đề xuất Bộ Y tế cho phép tiêm chủng với nhóm trẻ này.

Đến nay, TPHCM đã tiêm chủng đạt tỷ lệ hơn 99%, ngoài trẻ em còn tiêm ngừa cho hơn 3.000 nhân viên y tế. Với đối tượng trẻ thuộc nhóm nguy cơ được tiêm chủng đến 16 tuổi.

Nhờ sự hiệu quả trong điều trị và phòng chống lây nhiễm, đến ngày 27/3, địa phương đã có 22 phường, xã thuộc quận 1, quận 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện để UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi.

Qua đợt phòng chống dịch này, TPHCM rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, việc công bố dịch kịp thời là cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ kế hoạch chống dịch. Thứ hai, chủ động bảo vệ trẻ nguy cơ cao để giảm ca nặng và tử vong.

Thứ ba, việc quản lý đối tượng tiêm chủng không chỉ phụ thuộc vào hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (NIIS) mà phải có sự cập nhật từ địa bàn. Thứ tư, cần lưu ý những trường hợp cha mẹ cho rằng trẻ đã tiêm đủ mũi nhưng không có tài liệu chứng minh để hỗ trợ phù hợp.

Phó giám đốc HCDC cũng cho rằng, cần có sự đồng bộ trong triển khai chiến dịch tiêm chủng giữa các tỉnh thành để kiểm soát dịch hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm - 4

Bảng tuyên truyền tiêm vaccine phòng bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Có địa phương chủ quan “dịch không đến với tỉnh mình”

Đại diện Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao việc triển khai phòng chống dịch sởi ở TPHCM. Hiện nay, Bộ đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc sởi được báo cáo, nhưng con số thực tế có thể cao hơn.

Khu vực phía Nam dù chiếm đa số ca mắc nhưng đã có xu hướng giảm và dần được kiểm soát. Tuy nhiên ở khu vực phía Bắc, sau kỳ nghỉ Tết số ca mắc sởi tăng nhanh.

Bộ Y tế nhận định, sự vào cuộc của nhiều địa phương còn hạn chế. Các địa phương chủ quan, nghĩ rằng “dịch không đến với tỉnh mình” nên không đăng ký nhiều vaccine để triển khai tiêm. Do đó, thời gian qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tăng cường chiến dịch tiêm chủng theo công điện của Chính phủ.

“Nếu tỉnh nào không đảm bảo việc này, để xảy ra dịch phức tạp, Bộ Y tế sẽ có báo cáo đến Chính phủ”, đại diện Bộ Y tế nói.

Đại diện Cục Phòng bệnh bày tỏ lo ngại, hiện nay có nhiều đối tượng mắc bệnh, thậm chí trẻ sơ sinh cũng mắc, số ca dưới 9 tháng tuổi khá cao. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng phải kiểm tra lại để tiêm chủng bổ sung, nhằm đảm bảo miễn dịch cho trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm - 5

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn (bìa phải) kiểm tra khu cách ly sởi ở khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, các số liệu từ TPHCM cho thấy dịch sởi đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Dù vậy, ông nhấn mạnh việc bệnh viện phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo ca bệnh truyền nhiễm, đảm bảo đủ thuốc nếu dự báo được con số mắc tăng, phòng chống lây nhiễm chéo…

Ngoài ra, liên quan việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Phòng bệnh và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phải ngồi lại với nhau, vì đây là vấn đề đang rất yếu. “Số liệu không có thì làm sao dự báo được. Trong đề án về phần mềm tiêm chủng mở rộng, đề nghị cần bổ sung thêm trường thông tin về hồ sơ sức khỏe…”, ông Hà Anh Đức nêu.

9 đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế

Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến, Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, việc công bố hết dịch trên 22 phường xã ở TPHCM là tín hiệu rất vui. Tuy nhiên, hiện nay dịch sởi đang có xu hướng gia tăng ở một số khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Bệnh cũng mắc ở mọi lứa tuổi, ngay từ trẻ sơ sinh, người lớn đến rất nhiều trường hợp trên 70 tuổi. Điều này cho thấy còn khoảng trống trong việc bao phủ vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm - 6

Nhiều trẻ nhỏ từ tỉnh khác đến điều trị sởi tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có liên tiếp 2 công điện, chỉ đạo đến ngày 31/3 phải hoàn thành việc tiêm chủng vaccine sởi cho các đối tượng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế, hy vọng dịch sẽ sớm được đẩy lùi.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TPHCM tiếp tục bám sát và thực hiện chỉ đạo từ các công điện của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế. Thứ hai, cần xây dựng kế hoạch ứng phó các loại dịch bệnh trong mọi tình huống. Thứ ba, cần xây dựng quy trình sàng lọc, phân luồng điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo.

Thứ tư, đề nghị Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn trang bị đầy đủ thuốc và thiết bị y tế để đáp ứng đầy đủ việc khám chữa bệnh.

Thứ năm, đề nghị ngành y tế các tỉnh thành phía Nam tăng cường công tác truyền thông, có sự kiểm chứng từ cơ quan chuyên môn, để người dân biết được dấu hiệu bệnh và biết cách chăm sóc sức khỏe phù hợp cho các loại bệnh.

Thứ sáu, TPHCM và bệnh viện tuyến trên phải tăng cường tập huấn, đào tạo, chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới và các tỉnh thành phía Nam trong công tác khám chữa bệnh nói chung.

Thứ bảy, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì chỉ đạo các Sở Y tế các tỉnh thành tập huấn công tác thu dung, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 11 năm mới cập nhật hướng dẫn điều trị sởi là quá chậm - 7

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu 9 đề nghị trong buổi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

“Cách đây 2 ngày, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn mới nhất về chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Chúng tôi hết sức cảm ơn các thầy cô, giáo sư, chuyên gia đầu ngành đã cùng Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn rất đầy đủ.

Điều đáng buồn là chúng ta hoàn thiện sau 11 năm (lần gần nhất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi vào năm 2014), phải nói là quá chậm so với quốc tế.

Đề nghị các bên cần rút kinh nghiệm, không riêng gì bệnh sởi mà với các bệnh khác, cần giao cho những bệnh viện đầu ngành soạn thảo để cập nhật bổ sung hàng năm… Tôi lấy ví dụ như các bệnh tim mạch, ung thư, trên mạng của Hoa Kỳ họ thậm chí cập nhật theo tháng chứ không phải theo năm”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn chứng.

Thứ tám, việc cập nhật số liệu cần sát thực tế, chuẩn xác, nhanh chóng. Thứ chín, vì dịch bệnh có tính chu kỳ 5 năm một lần, cần có chiến dịch tiêm đón đầu trong tương lai, thường xuyên rà soát để không bỏ sót các đối tượng chưa tiêm.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, địa phương và các tỉnh thành phía Nam đã ký kết cơ chế liên kết vùng. Ngay trong tuần sau, TPHCM sẽ tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch cho các tỉnh.

Ngoài dịch sởi, trong 3 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận hơn 330 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện (60 ca sốc sốt xuất huyết) và hơn 140 trường hợp tay chân miệng nhập viện (3 ca nặng độ 3-4). Cả hai bệnh này đều cao hơn so với trung bình 5 năm trở lại đây.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *