Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Dự thảo trên được xây dựng trong bối cảnh thời gian qua, hàng loạt bệnh nhân khắp cả nước phản ánh việc phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế trong danh mục hưởng BHYT và phải tự chi trả, vì bệnh viện không thể cung ứng, gây ảnh hưởng trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Tại TPHCM, đến nay vẫn có những trường hợp thiếu hụt thuốc cục bộ, hoặc không thể mua sắm qua đấu thầu.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí ngày 13/12, chị H., một phụ huynh có con bị suy thận mạn giai đoạn cuối cho biết, con trai chị đã có nhiều năm chạy thận định kỳ tại đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo người phụ nữ, thông thường vào thời gian cuối năm, một số loại thuốc và vật tư y tế điều trị cho bé tại bệnh viện bị thiếu hụt. Gần đây, người mẹ được nhân viên y tế của khoa thông báo băng keo dán vết thương khi chạy thận đã hết.
Do đó, chị H. phải tự ra ngoài mua băng keo cho con. Dù chi phí bỏ ra không nhiều, mỗi tuần bé có 3 lần chạy thận, nên cũng gây ra một số bất tiện. “Bác sĩ nói con tôi phải chạy thận siêu lọc, nhưng gia đình không có điều kiện. Ngày nào bé cũng la khóc vì đau nhức, tối cũng không ngủ được”, chị H. chia sẻ.
Lãnh đạo đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Nhi đồng 2 xác nhận với phóng viên, khoảng hơn 1 tuần qua, vật tư băng keo lụa dùng điều trị cho bệnh nhi tại đây đã hết tạm thời và đang được bổ sung.
Theo vị này, sau mỗi lần chạy thận, bệnh nhi được dùng băng keo lụa cầm máu vết thương tại vị trí đâm kim khoảng 30-60 phút. Một số trường hợp dị ứng băng keo lụa, cha mẹ sẽ chủ động ra ngoài mua băng keo giấy cho trẻ dùng, chi phí không cao.
Ngoài ra, cũng có nhiều người nhà vì mang tâm lý lo lắng cho trẻ mà sử dụng nhiều keo hơn để quấn vào vết thương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vật tư băng keo lụa hết tạm thời.
“Đây chỉ là băng keo dùng cầm máu thông thường, không có gì đặc biệt. Việc thiếu hụt cũng chỉ là tính thời điểm thoáng qua”, nguồn tin khẳng định.
Còn tại Bệnh viện quận 11, theo tìm hiểu, đơn vị cũng gặp khó khăn khi đấu thầu một số thuốc như Albumin, Propofol… vì có nguồn cung hạn chế, không nhiều nhà thầu cung ứng. Khi bị đứt hàng, thuốc khó tìm nguồn thay thế.
Kế đến, một loại thuốc dùng trong gây tê nha khoa đã được đơn vị xây dựng kế hoạch mua sắm nhiều năm qua, nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Do đó, đơn vị phải thực hiện mua sắm ngoài thầu bằng hình thức ký kết hợp đồng dưới 50 triệu đồng với nhà cung ứng.
Ngoài ra, một số vaccine trong chương trình tiêm mở rộng phục vụ cho khoa Sản của Bệnh viện quận 11 đang bị gián đoạn, nên nơi này phải tìm nguồn mua vaccine dịch vụ và người bệnh phải tự thanh toán chi phí.
Nhiều lãnh đạo các bệnh viện ở TPHCM hy vọng, sau khi luật Đấu thầu mới có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, những khó khăn còn tồn đọng trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế điều trị cho người dân sẽ được giải quyết.