Ngày 28/10, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch ở TPHCM cho biết, vừa qua nơi ông làm việc đã tiếp nhận một trường hợp gặp biến chứng nguy hiểm về sức khỏe sau khi tập luyện quá sức.
Đó là một chàng trai 20 tuổi, được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong trạng thái thở dốc, hụt hơi, xây xẩm. Bệnh nhân kể, thời gian gần đây anh dành phần lớn thời gian ở phòng gym, vì sắp tham gia giải cử tạ của địa phương.
Buổi chiều ngày nhập viện, anh đẩy nhanh cường độ tập, sau 30 phút thì đột ngột ngất xỉu.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chàng trai bị bệnh cơ tim phì đại. Việc tập luyện quá sức làm cho hệ thống điện tim bệnh nhân bị mất kiểm soát.
Chàng trai may mắn được sơ cứu đúng cách, đến bệnh viện kịp thời nên chưa xảy ra biến chứng nặng.
Trước khi xuất viện, anh được tư vấn cách tập luyện phù hợp với thể trạng, đồng thời hướng dẫn tái khám, theo dõi bệnh nhằm phát hiện sớm bất thường.
Bác sĩ Kiều cho biết, thường xuyên tập thể dục góp phần giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim, bao gồm đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì…
Tuy nhiên, nhiều người vì quá nôn nóng giảm cân, muốn nhanh chóng có thân hình săn chắc hoặc vì mục đích thi đấu nên lao vào tập luyện cường độ cao mà không có sự tư vấn, hướng dẫn từ chuyên gia. Điều này có thể gây ra những biến cố tim mạch gồm đau tim, rối loạn nhịp, đột tử.
Nghiên cứu cho thấy, các ca tử vong liên quan đến thể thao chủ yếu là do bệnh mạch vành ở người lớn và bệnh cơ tim hoặc loạn nhịp tim ở thanh thiếu niên. Một số bệnh lý tim khác như viêm cơ tim, hở van tim, bệnh tim bẩm sinh hay tăng áp phổi cũng có thể góp phần gây tử vong khi đang tập luyện.
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lý giải thêm, khi tập luyện cường độ cao, tim đập nhanh hơn và bơm máu mạnh hơn, cần nhiều oxy hơn bình thường. Ở những người có bệnh mạch vành, khi có stress (áp lực) lên thành mạch có thể làm bong tróc mảng xơ vữa.
Mảng xơ vữa trôi trong lòng mạch, nếu dừng ở tim, não sẽ làm tắc nghẽn những mạch máu này gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Đối với những người có bệnh tim tiềm ẩn, vận động quá sức sẽ ảnh hưởng cơ tim, kích hoạt hệ thống điện của tim vào đúng thời điểm không mong muốn và gây ra tình trạng ngừng tim đột ngột, dẫn tới tử vong trên sàn tập.
Bên cạnh đó, nhiều người tập gym dùng steroid và các loại thuốc tăng cường hiệu suất để thúc đẩy tăng cơ. Những chất này thường có tác dụng phụ ảnh hưởng đến tim, bao gồm tăng huyết áp, tăng mỡ máu và phì đại cơ tim, tất cả đều làm tăng nguy cơ đột quỵ tim.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu kiểm soát tốt bệnh tim và tập thể dục đúng cách, khả năng xảy ra biến chứng tim mạch là rất thấp. Để đảm bảo an toàn khi tập thể dục, người dân cần kiểm tra tim mạch thường xuyên, tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập phù hợp.
Kế đến, cần khởi động đúng cách, không tập thể dục lúc quá đói hoặc quá no, lắng nghe cơ thể trong quá trình tập, dự phòng các thiết bị y tế cần thiết (như máy đo huyết áp, nhịp tim, máy khử rung tim ngoài tự động (AED), thuốc ngậm nitrat…) để kịp thời xử trí nếu chẳng may xảy ra biến cố.
Song song với tập thể dục phù hợp, mỗi người cần xây dựng chế độ ăn lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, tránh xa stress… để nâng cao sức khỏe tổng thể.