Đó là trường hợp của một bé gái 5 tuổi, được mẹ đưa đến bệnh viện ở TPHCM cấp cứu vì nuốt dị vật vào đường tiêu hóa.
Trước đó, bé tháo chiếc lắc chân đưa vào miệng ngậm chơi trong giờ ngủ trưa rồi thấy vướng và khó thở. Nghe bé khóc và cho biết đã nuốt lắc chân, cô giáo thông báo cho gia đình để lập tức đưa bé đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Anh Dũng, khoa Nhi cho biết, hình ảnh nội soi dạ dày của bệnh nhi có sợi dây bằng kim loại, đường kính 0,5cm, dài 20cm với thiết kế trụ xoắn phức tạp, có thể gây tổn thương hoặc thủng dạ dày.
Bệnh nhi được bác sĩ Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa gây mê, gắp dị vật sau 6 giờ nuốt.
Lắc chân được gắp ra còn nguyên vẹn, không gây trầy xước vùng thực quản, dạ dày. Hiện sức khỏe bé đã ổn định.
Qua trao đổi với bác sĩ, mẹ bé tiết lộ đã cho con gái đeo bông tai và lắc chân nhiều năm nay.
Đôi bông tai mẹ đã buộc chỉ, riêng lắc chân vì tháo ra vệ sinh thường xuyên nên cố định. Sau vụ việc, người mẹ rất sợ và không còn ý định cho bé đeo bất kỳ trang sức nào.
Theo bác sĩ Dũng, dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, vì các cháu tò mò và hiếu động, nuốt nhầm những thứ không phải thực phẩm. Hoặc do trẻ chưa tập trung khi ăn uống, nên hóc phải hạt, xương cá…
Các dị vật kích thước nhỏ có thể dễ dàng đi qua họng, thực quản vào dạ dày vì phản xạ nuốt. Sau đó, chúng di chuyển theo ống tiêu hóa, có thể tự đẩy ra ngoài hậu môn.
Tuy nhiên nếu cấu trúc phức tạp hay sắc nhọn có thể bị kẹt tại thực quản, dạ dày và ruột. Lúc này, bác sĩ cần phẫu thuật nội soi gắp ra. Trường hợp dị vật quá to hoặc đã gây biến chứng nặng, trẻ có thể phải mổ mở.
Cũng theo bác sĩ Dũng, trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nuốt dị vật như nút áo, sợi dây chuyền, vòng, kẹp tóc… khi đi học ở nhà trẻ, trường mẫu giáo. Có trường hợp bé 4 tuổi nuốt bông gòn từ gấu bông, dẫn tới tắc ruột.
Trẻ hóc dị vật có triệu chứng cảnh báo khác nhau, tùy thuộc vào vị trí. Nếu kẹt ở thực quản sẽ có biểu hiện đau khi nuốt, nuốt vướng, bỏ ăn, quấy khóc khi ăn. Kẹt ở dạ dày có thể khiến trẻ đau bụng, buồn nôn, ăn không tiêu. Nếu kẹt tại ruột sẽ gây tắc ruột, đau bụng dữ dội, nôn, chướng bụng…
Để phòng tình trạng trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ nên hạn chế đeo trang sức khuyên tai, lắc tay chân, kẹp tóc. Cần chọn trang phục đơn giản cho trẻ, hạn chế đính nhiều cúc áo, cườm, hạt, dây xích.
Đặc biệt, cần dạy trẻ nhai kỹ thức ăn, giải thích những nguy hiểm khi ngậm đồ chơi, cũng như hạn chế cho trẻ chơi các vật có kích thước nhỏ, nhiều chi tiết. Ngoài ra, nếu trẻ không ngủ trong giờ nghỉ trưa, phụ huynh và người chăm sóc không nên để con em chơi một mình mà cần chú ý quan sát.