Tại hội nghị khoa học kỹ thuật “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng”, diễn ra ở TPHCM ngày 14/12, nhóm báo cáo viên của Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã thông tin về 2 trường hợp rất hiếm gặp trong y văn mà nơi này tiếp nhận điều trị.
2 phụ nữ mắc căn bệnh cực hiếm gặp
Trường hợp thứ nhất là một phụ nữ 69 tuổi, nhập viện vì đau đầu kéo dài, kém đáp ứng điều trị nội khoa. Bệnh nhân không có tiền căn phẫu thuật mũi xoang hoặc chấn thương đầu trước đó.
Qua nội soi mũi xoang, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có dịch nhầy ở vị trí ngách sàng bướm bên phải, ảnh CT-scan cho thấy viêm xoang bướm phải nghi do nấm và một tổn thương dạng nang, không có triệu chứng thần kinh hay mắt.
Bệnh nhân sau đó được phẫu thuật nội soi mũi xoang nhằm dẫn lưu u nhầy. Sau khi mở xoang bướm và bơm rửa sạch, các bác sĩ tiếp tục khoan vùng thành sau xoang bướm và mở khối nang thì thấy bên trong chứa đầy mủ đục kèm mô nghi nấm, không ghi nhận chảy dịch não tủy.
Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng kháng sinh tĩnh mạch trong 5 ngày và xuất viện trong tình trạng phục hồi tốt, giảm đau đầu, không có biến chứng nào. Kết quả giải phẫu bệnh sau đó xác định, bệnh nhân bị u nhầy xương bản vuông.
Trường hợp thứ hai cũng là một bệnh nhân nữ (58 tuổi), nhập viện vì đau đầu và nhìn đôi một tháng. Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, qua khám lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận thị lực mắt trái bệnh nhân là 9/10, liệt vận nhãn ngoài bên trái. Nội soi mũi xoang chỉ ghi nhận phù nề vùng ngách sàng bướm trái.
Ảnh chụp CT-scan và MRI của bệnh nhân cho thấy một tổn thương dạng nang, kích thước 2cm nằm ở vùng xương bản vuông của xương bướm bên trái, nghi ngờ có thể là cholesterol granuloma hoặc u nhầy, không loại trừ tổn thương giả phình động mạch cảnh trái.
Kết quả chụp DSA sau đó cũng không ghi nhận bất thường hình thái mạch máu não. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi mở xoang bướm 2 bên để dẫn lưu u nhầy, thấy tổn thương dạng nang trong xoang bướm chứa đầy dịch mủ và mô nghi nấm.
Qua hệ thống định vị, ekip điều trị ghi nhận có một vị trí khuyết xương ở thành sau trên của xương bản vuông, không ghi nhận chảy dịch não tủy. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân cải thiện tốt, giảm nhức đầu và không còn triệu chứng song thị, được xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh trường hợp này cũng là u nhầy xương bản vuông.
Cảnh giác triệu chứng đau đầu, song thị
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, u nhầy mũi xoang là các khối nang lành tính, chứa đầy dịch nhầy, hình thành do tắc nghẽn đường dẫn lưu xoang, có thể là nguyên phát hay thứ phát sau chấn thương, phẫu thuật…
Vị trí thường gặp nhất của u là vùng sàng trán. Triệu chứng gây nên do các khối nang tăng kích thước, đè ép vào các cấu trúc xung quanh như mắt hay nội sọ. Trong khi đó, xương bản vuông là một cấu trúc xương vùng trung tâm sàn sọ, được hợp bởi phần nền xương chẩm và nền xương bướm.
U nhầy xương bản vuông là một bệnh cảnh lâm sàng cực kỳ hiếm gặp, chỉ mới được báo cáo trong y văn một vài trường hợp. Trước đây, chưa có báo cáo nào ghi nhận có đồng mắc nấm cục và u nhầy vùng xương bản vuông.
Theo những báo cáo trước đó trên thế giới, các bệnh nhân đều đi khám vì các triệu chứng liên quan đến chèn ép cấu trúc xung quanh u nhầy, bao gồm đau đầu, được mô tả là đau sau mắt, thái dương, vùng trán và vùng trên của mặt, song thị, tê mặt.
Tác giả Fujimoto cho rằng, nguyên nhân gây bệnh có thể do xương bản vuông được khí hóa trong quá trình phát triển và có thông thương với xoang bướm qua một vị trí khuyết xương, viêm xoang bướm, sau đó gây nên tắc lỗ thông. Từ đó, tình trạng này làm dịch ứ đọng trong xương bản vuông, tạo thành u nhầy.
“Cả hai bệnh nhân của chúng tôi đều nhập viện vì bệnh cảnh đau đầu kéo dài, kém đáp ứng điều trị nội khoa. Ở bệnh nhân thứ hai ghi nhận u nhầy đè ép, hủy xương và chèn ép một phần cấu trúc nội sọ vùng thành ngoài, gây nên triệu chứng nhìn đôi cho người bệnh”, thành viên nhóm báo cáo chia sẻ.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang dẫn lưu u nhầy vùng xương bản vuông là chọn lựa điều trị với hiệu quả cao, xâm lấn tối thiểu, tránh sẹo đường ngoài và giảm thời gian hồi phục cho người bệnh, đã được ghi nhận không có biến chứng nào.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, cần phân biệt u nhầy xương bản vuông với các bệnh lý khác vùng này, như u tân sinh, cholesterol granuloma, cốt tủy viêm sàn sọ, thoát vị não màng não, phình động mạch cảnh… để có hướng can thiệp điều trị phù hợp.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM chia sẻ, Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên Bệnh viện Tai Mũi Họng 2024 chào đón khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, cùng đại diện các bệnh viện và trường đại học trong cả nước đến tham dự, với 1 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề.
Đây không chỉ là diễn đàn khoa học uy tín, mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển chuyên môn kỹ thuật về chẩn đoán và điều trị bệnh lý Tai Mũi Họng tại Việt Nam. Thông qua các đề tài nghiên cứu của báo cáo viên trong và ngoài nước, hội nghị góp phần mở rộng chương trình hợp tác quốc tế.