Chiều 28/2, đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, tối qua (27/2) nơi đây đã tiếp nhận 2 trường hợp biến chứng nặng sau khi sử dụng các chất nguy hiểm.
Trường hợp thứ nhất là một nữ sinh viên 23 tuổi (ngụ quận Tân Bình, TPHCM), đi sinh nhật bạn và được rủ sử dụng “nước vui” (thành phần có Methamphetamin, Amphetamin và Ketamin) với mọi người tại bữa tiệc.
Khoảng 2 giờ đồng hồ sau đó bệnh nhân bị suy hô hấp, hôn mê. Sau khi tiếp nhận, ekip điều trị tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, nâng đỡ thể trạng. Đến sáng nay, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tình trạng ổn định.
Trường hợp thứ hai là ông P.H.D. (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), sau khi đi nhậu với bạn tiếp tục đi “tăng 2” ở một quán bia thư giãn và bị ép uống thuốc lắc. Sau khi sử dụng xong, bệnh nhân lừ đừ nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất Amphetamin trong thuốc lắc, được điều trị tích cực, bù nước, thở oxy, theo dõi dấu hiệu sinh tồn. Sáng 28/2, bệnh nhân xuất viện.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU) chia sẻ, khi sử dụng các chất kích thích nêu trên, bệnh nhân chỉ có thể điều trị triệu chứng, vì không có chất đối kháng đặc hiệu.
Nếu sử dụng quá liều, bệnh nhân sẽ bị ức chế hô hấp, ảnh hưởng đến thần kinh (vì tạo cảm giác hưng phấn, kích thích thần kinh), thậm chí co giật, kích động. Nặng hơn, bệnh nhân có thể suy đa cơ quan, vì Amphetamin gây co thắt mạch máu, dẫn đến nguy cơ đột quỵ… Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị nghiện, tái sử dụng các chất trên và tiếp tục đối diện việc nguy hiểm sức khỏe.
Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận trung bình 5-7 ca phải cấp cứu sau khi sử dụng các chất như ma túy, thuốc lắc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đơn vị điều trị một trường hợp uống “nước vui”.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân không thử, không sử dụng các chất kích thích nói chung, “nước vui” nói riêng. Nếu chẳng may đã sử dụng, cần đến bệnh viện kiểm tra ngay để được kịp thời xử lý.