Hàng loạt trang thiết bị hiện đại “đắp chiếu”
Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện ở Nghệ An không chỉ khiến bệnh nhân phải “xếp lốt” để được thực hiện các kỹ thuật và bác sĩ phải tăng ca. Tại cơ sở y tế lớn nhất tỉnh Nghệ An là Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, nhân viên y tế phải đưa bệnh nhân đi chụp MRI nhờ ở một bệnh viện khác trên địa bàn. Thực trạng này khiến thời gian chẩn đoán, điều trị kéo dài, thậm chí có nguy cơ lỡ “thời điểm vàng” đối với bệnh nhân.
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam, Phó giám đốc Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, cho biết: “Trước đây, phía bệnh viện có liên doanh, liên kết máy chụp MRI, tuy nhiên, hiện nay máy này phải dừng lại. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, chúng tôi phải hợp đồng đi chụp ở bệnh viện khác và đang làm quy trình để đấu thầu mua máy mới. Tuy nhiên, do giá phía bệnh viện xây dựng sát, thấp, chặt chẽ và bài bản… nên một số nhà thầu họ không mặn mà”.
Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, tình trạng thiếu thiết bị y tế nghiêm trọng. Trước đây, đơn vị này từng có hệ thống trang thiết bị hiện đại. Nhưng hiện tại, hàng ngày, bệnh viện này phải phân công nhân viên y tế, điều các phương tiện chuyên dụng để chở bệnh nhân đi chụp cắt lớp vi tính tại đơn vị khác trên địa bàn.
Tình trạng này đã diễn ra suốt thời gian dài do hệ thống chụp cắt lớp vi tính tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đang hỏng, chưa thể sửa chữa. Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị y tế tại đây đều trong tình trạng thiếu. Đặc biệt, nhiều thiết bị thuộc hàng cấp thiết đối với bệnh viện chuyên khoa nhưng chưa sửa chữa được để phục vụ người dân.
Đưa chúng tôi đi tham quan các trang thiết bị y tế tại bệnh viện, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An lắc đầu ngao ngán khi chỉ còn một số lượng ít máy móc còn có thể hoạt động. Nếu những máy móc này bất ngờ gặp trục trặc, bệnh viện sẽ lâm vào cảnh bị “trói tay, trói chân”.
Máy X-Quang chụp vú được biên chế vào Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, giúp các bác sĩ có những chẩn đoán chính xác hơn những loại u tuyến vú. Sau khi hệ thống này bị hỏng, chưa được sửa chữa, bệnh nhân phải thực hiện qua nhiều kỹ thuật khác để bác sĩ có đủ hình ảnh, căn cứ kết luận tình trạng của bệnh nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, nhiều hệ thống trang thiết bị hiện đại khác như máy X-Quang kỹ thuật số, hệ thống nội soi, hệ thống xét nghiệm, siêu âm… cũng đang hoạt động trong tình trạng có thể hỏng bất cứ lúc nào do chưa được phê duyệt để bảo trì, bảo dưỡng theo quy định, lượng bệnh nhân quá tải mà chưa được bổ sung thiết bị y tế mới.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, cho biết việc phải vận chuyển bệnh nhân đi chụp nhờ không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, công tác tài chính tại bệnh viện, còn gây phiền hà cho bệnh nhân. Đặc biệt đối với những bệnh nhân ung thư sức khỏe yếu, bệnh nhân cấp cứu…
Do phải đi chụp nhờ nên bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An luôn phải đợi đến lượt, ngoại trừ những trường hợp nặng, sức khỏe quá yếu do các cơ sở ưu tiên bệnh nhân của đơn vị mình. Trong khi đó, số tiền thu dịch vụ kỹ thuật của bệnh nhân phải chi trả hoàn toàn cho cơ sở thực hiện kỹ thuật. Bởi vậy, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hoàn toàn đi làm “không công”.
Chưa có “lời giải” cho bài toán mua sắm thiết bị
Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An phân trần, sau khi xảy ra vi phạm pháp luật tại một số cơ sở y tế về công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, về văn bản pháp lý trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế cũng được siết chặt.
Bên cạnh đó, tâm lý cán bộ ngành y tế, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan ban, ngành cũng e ngại. Vì thế công tác đấu thầu, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn.
Trong 3 năm trở lại đây, bệnh viện không mua được trang thiết bị y tế nào, trong khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đang đứng trước rất nhiều áp lực do nhiều quy định về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế thay đổi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Văn Ngôn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, Tư vấn tài chính (đơn vị mua sắm tập trung), cho biết trong những năm qua, công tác đấu thầu, mua sắm tập trung nói chung, trong đó có mua sắm trang thiết bị y tế tại Trung tâm được triển khai bình thường. Nhiều gói thầu mua sắm đã được thực hiện thành công và tiết kiệm ngân sách với tỷ lệ cao do quy trình thẩm định giá, đấu thầu được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc.
Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây, do một số văn bản pháp luật mới ban hành như Nghị định 98, Thông tư 14 của Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể. Có nội dung ban hành thiếu tính thực tiễn nên một số trang thiết bị của các cơ sở y tế đăng ký mua sắm tập trung nhưng cơ sở y tế không cung cấp đủ thông tin (3 báo giá), để triển khai công tác thẩm định giá, dẫn đến không đủ điều kiện để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu (gói thiết bị y tế của Sở Y tế).
Một số thiết bị y tế đã xây dựng hồ sơ mời thầu, thậm chí mở thầu nhiều lần nhưng không có đơn vị nào chào thầu do trang thiết bị đó chưa được lưu hành tại Việt Nam; nhiều bệnh viện đăng ký mua sắm quá chậm nên không đủ thời gian để thực hiện kịp gói thầu trong năm ngân sách…
Thực trạng thiếu thiết bị y tế đang diễn ra ngày một trầm trọng, trở thành vấn đề nhức nhối đối với ngành y tế tại Nghệ An.
Hiện, Sở Y tế Nghệ An là đơn vị toàn quyền phụ trách công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, việc mua sắm tập trung hay mua sắm đơn lẻ chưa có “lời giải”.