Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hình thành do sự biến đổi bất thường của các tế bào biểu mô phế nang, phế quản. Bệnh được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 85%.
Giai đoạn bệnh là yếu tố chính để tiên lượng và định hướng điều trị. Điều trị ung thư phổi nhìn chung là sự phối hợp đa mô thức phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân.
Tỷ lệ sống 5 năm phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh. Thực tế, theo thống kê của Bệnh viện K (Hà Nội), khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi nhập viện ở giai đoạn đã có triệu chứng nặng và không còn khả năng điều trị triệt để bằng phẫu thuật.
Liệu pháp miễn dịch ra đời đã mở ra chương mới trong thực hành lâm sàng ung thư phổi tế bào nhỏ nói riêng và ung thư phổi nói chung. Trước đó, trong suốt nhiều thập kỷ kể từ những năm 1985-1999, không có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ.
Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi sinh vật và cả trong bệnh lý ung thư.
Các tế bào ung thư có khả năng trốn tránh được sự phát hiện và kiểm soát của những tế bào miễn dịch trong cơ thể vì thế chúng không bị phát hiện và hệ miễn dịch không tiêu diệt được.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách không cho tế bào ung thư kết gắn được với tế bào miễn dịch và không ức chế được các tế bào này (ví dụ như tế bào T…).
Từ đó giúp tế bào miễn dịch dễ dàng nhận diện được tế bào ung thư, có thể tiêu diệt hoặc làm ngừng, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể…
Liệu pháp miễn dịch – bước tiến trong điều trị ung thư
Liệu pháp miễn dịch là một trong những phát minh quan trọng của nền y học thế giới trong việc điều trị ung thư. Đây cũng chính là phương pháp sử dụng thuốc giúp hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Theo bác sĩ Bệnh viện K, các liệu pháp miễn dịch được ứng dụng trong điều trị ung thư như liệu pháp kháng thể đơn dòng, liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu, liệu pháp tế bào T, vaccine điều trị ung thư.
Tại Việt Nam, đã có 3 thuốc miễn dịch đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là durvalumab, atezolizumab và pembrolizumab.
Các nghiên cứu cho thấy liệu pháp này giúp kéo dài thời gian bệnh không tiến triển cho hầu hết các giai đoạn bệnh.
Với giai đoạn sớm II-IIIA, theo nghiên cứu IMPOWER 010, miễn dịch sau phẫu thuật giúp giảm thêm 12% tỷ lệ tiến triển bệnh tại thời điểm 3 năm cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ EGFR/ALK âm tính, PDL1 ≥ 1%.
Ở giai đoạn IIIB, củng cố miễn dịch sau hóa xạ trị giúp giảm 16% tỷ lệ tái phát và giảm 13% nguy cơ tử vong tại thời điểm 4 năm.
Ở giai đoạn IV, điều trị miễn dịch có hoặc không kết hợp với tác nhân khác (hóa trị, kháng thể đơn dòng) theo các nghiên cứu có thể làm giảm 10-16% tỷ lệ tử vong tại thời điểm 3 năm, 8% tại thời điểm 5 năm, giúp tăng thời gian còn lại toàn bộ lên 17 tháng đến gần 28 tháng tùy từng nghiên cứu và tùy theo mức độ bộc lộ miễn dịch.
Liệu pháp miễn dịch ra đời đã giúp kéo dài thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Tuy nhiên giá thành của các thuốc này khá cao và chưa được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, không phải bệnh nhân nào cũng có thể tiếp cận.
Bộ Y tế vừa qua đã phê duyệt một số chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K, trong đó có các thuốc miễn dịch. Chính sách này đã giúp nhiều cho các bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo, giúp họ giảm gánh nặng bệnh tật và cả gánh nặng kinh tế.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã và đang được tiến hành về bổ trợ miễn dịch nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để cải thiện thời gian sống thêm và giảm nguy cơ tái phát cho bệnh nhân. Các nghiên cứu bước đầu cho kết quả khả quan, hứa hẹn giúp cải thiện thời gian sống thêm cho bệnh nhân tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để đưa ra các giải pháp tối ưu.