Liên quan đến việc nhiều nhân viên y tế phản ánh các bất cập mà họ phải chịu trong quá trình hành nghề tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, ngày 31/10, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã có cuộc làm việc lần 2 với chị N.B., viên chức bị Viện Y dược học dân tộc TPHCM “treo” đơn xin nghỉ việc hơn 2 năm, khiến cuộc sống lao đao.
Lý do thu điện thoại viên chức khi làm việc
Buổi làm việc còn có chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TPHCM, cùng các đại diện của Viện Y dược học dân tộc TPHCM, gồm: Bà Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng, ông Huỳnh Minh Đắc – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, và ông Trần Thúc Bão – Tổ trưởng Tổ Pháp chế.
Theo biên bản cuộc họp, Thanh tra Sở Y tế tiếp công dân chị N.B., liên quan đến phản ánh, kiến nghị về việc giải quyết cho thôi việc tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM và các chế độ phụ cấp khác.
Quá trình làm việc, chị N.B. có nêu một số câu hỏi đến Thanh tra Sở Y tế TPHCM cùng những người liên quan.
Thứ nhất, nữ viên chức muốn biết lý do Viện Y dược học dân tộc TPHCM không cung cấp biên bản cho chị sau những buổi làm việc giữa hai bên. Đồng thời, chị đề nghị Viện Y dược học dân tộc TPHCM cung cấp biên bản cuộc họp các ngày 26/3, 8/8, 26/9, cùng biên bản họp hội đồng kỷ luật đối với chị.
Thứ hai, cho đến khi có quyết định chính thức thôi việc tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, vì sao viên chức này chưa được giải quyết chế độ thai sản và chưa nhận được bất cứ phụ cấp thai sản nào?
Thứ ba, chị B. muốn biết quá trình xử lý kỷ luật của Viện Y dược học dân tộc TPHCM đối với chị hơn 2 năm có đúng quy định hay không. Ngoài ra, trong cuộc họp hội đồng kỷ luật viên chức ngày 10/10, Viện Y dược học dân tộc TPHCM thực hiện thu âm, ghi hình và tạm giữ tất cả điện thoại của toàn bộ người tham gia cuộc họp. Điều này có đúng quy định?
Thứ tư, chị B. đề nghị xem xét lại hình thức kỷ luật buộc thôi việc của Viện Y dược học dân tộc TPHCM đối với chị.
Phản hồi các nội dung trên, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM Trương Thị Ngọc Lan cho biết, Viện sẽ trả lời bằng văn bản về các nội dung thắc mắc của chị N.B. đối với các nội dung trong thẩm quyền, đồng thời báo cáo Thanh tra Sở Y tế TPHCM.
Đại diện Viện Y dược học dân tộc TPHCM đề nghị viên chức có văn bản yêu cầu cụ thể biên bản nào cần, để đơn vị cung cấp trong khuôn khổ quy định pháp luật. Đối với biên bản họp hội đồng kỷ luật, Viện Y dược học dân tộc TPHCM chỉ cung cấp khi có yêu cầu từ các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Về việc tạm giữ điện thoại của chị B. trong cuộc họp hội đồng kỷ luật ngày 26/9, phía Viện Y dược học dân tộc TPHCM lý giải, người chủ trì cuộc họp trên có nêu quy định không thu âm, ghi hình và sử dụng điện thoại. Do đó, toàn bộ người tham dự đều bị yêu cầu để điện thoại tại khu vực chỉ định, có thể quan sát.
Không giải quyết chế độ thai sản vì không nhận được thông tin?
Đến ngày 14/10, Viện Y dược học dân tộc TPHCM có Quyết định số 1371/QĐ-VYDHDT kỷ luật viên chức N.B., hình thức buộc thôi việc. Đến ngày 25/10, Viện Y dược học dân tộc TPHCM công bố quyết định kỷ luật nêu trên, nhưng chị B. không tiếp nhận.
Đối với ý kiến về chế độ thai sản của nữ nhân viên y tế, phía Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho biết, chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức nào về thời gian sinh con của chị N.B., nên chưa thể rà soát thực hiện chế độ thai sản cho chị.
Tuy nhiên, chị N.B. khẳng định có thông báo đang mang thai tại cuộc họp với Viện Y dược học dân tộc TPHCM vào ngày 21/7/2022, với người chủ trì buổi làm việc khi đó là Phó Viện trưởng Nguyễn Thanh Tuyên.
Tường thuật lại cuộc họp tại Sở Y tế TPHCM ngày 31/10 với phóng viên Dân trí, chị N.B. cho biết, bà Trương Thị Ngọc Lan có trình bày với Thanh tra việc đã nhiều lần đề nghị chị quay trở lại làm việc trong năm nay. Bà Lan nói rõ, việc đề nghị chị B. trở lại làm việc không phải vì Viện Y dược học dân tộc TPHCM thiếu người, mà mục đích là để đơn vị có thời gian giải quyết thủ tục cho viên chức nghỉ theo quy trình từ đầu. Do đó, chị B. chỉ cần ẵm con vào phòng của Phó viện trưởng, đến giờ vào khoa bấm dấu vân tay, không cần phải làm việc.
Tuy nhiên, chị B. có phản hồi đang phải nuôi con nhỏ, chăm sóc mẹ già, không có khả năng trở lại nơi làm việc như yêu cầu.
Phía Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã hướng dẫn chị N.B. về thời hiệu xử lý theo Luật khiếu nại năm 2021, đồng thời cho biết sự việc nêu trên đã được Viện Y dược học dân tộc TPHCM giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp viên chức không đồng ý, có thể thực hiện quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện theo quy định.
Kết luận buổi làm việc, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM Hồ Văn Hân đề nghị, Viện Y dược học dân tộc TPHCM phải trả lời bằng văn bản về việc vì sao chị N.B. không được hưởng chế độ thai sản, dù tại cuộc họp ngày 21/7/2022, viên chức có thông báo tình trạng đang mang thai.
Bên cạnh đó, Viện Y dược học dân tộc TPHCM cần trả lời lý do áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức, cũng như phản hồi về các văn bản mà chị N.B. đề nghị cung cấp ngày 31/10. Viện Y dược học dân tộc TPHCM phải báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Sở Y tế TPHCM trước ngày 4/11.
Yêu cầu Sở Y tế TPHCM xử lý nghiêm, dứt điểm các tồn đọng
Tại Hội nghị sơ kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, do Sở Y tế TPHCM tổ chức ngày 24/10, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc cho hay, ông rất chia sẻ, thấu cảm với những khó khăn của ngành y tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ủng hộ những việc làm không đúng với quy định. Muốn xử lý được những khó khăn, ngành y tế TPHCM phải chủ động gửi kiến nghị, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, để có chủ trương chỉ đạo các cấp liên quan thực hiện.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu xử lý dứt điểm các tồn đọng, thuộc thẩm quyền xử lý của Ban Thường vụ và Ban Giám đốc Sở Y tế, không để tồn đọng nhỏ tích tụ, nảy sinh thành vấn đề lớn, có những tác động không mong muốn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành y tế.
Ông Lộc đề nghị, những chuyện gì thấy khó khăn phải báo cáo các cấp thẩm quyền trực tiếp quyết định.