Ba kịch bản và bốn giải pháp chuyển đổi giao thông xanh để phát thải ròng của Việt Nam về mức “0” vào năm 2050 vừa được GS.TS Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội) đưa ra tại tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư”, do Bộ GTVT tổ chức.
Theo đó, kịch bản đầu tiên là phát triển GTVT theo hướng phát thải thông thường (BAU), chưa thực hiện biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nếu thực hiện theo kịch bản này, nhu cầu năng lượng dùng xăng và dầu tiếp tục tăng mạnh từ 2025 cho đến năm 2050, đồng thời tổng lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường sẽ tăng từ 86,16 triệu tấn lên 273,21 triệu tấn.
Kịch bản thứ hai là giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước (NLTN), nghĩa là chuyển đổi các phương tiện giao thông sang sử dụng điện và năng lượng xanh phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và chính sách thúc đẩy chuyển đổi bằng nguồn lực trong nước. Khi thực hiện, lượng khí nhà kính từ năm 2025 đến năm 2050 sẽ tăng từ 83,61 triệu tấn lên 171,64 triệu tấn, giảm 30% so với kịch bản thứ nhất. Ở kịch bản này, nhu cầu năng lượng dùng xăng và dầu vẫn chiếm vai trò chủ đạo.
Kịch bản thứ ba là phát thải ròng bằng 0 có sự hỗ trợ từ quốc tế (PTR0) nghĩa là tích hợp tất cả các chính sách và giải pháp giảm thiểu để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong ngành giao thông vận tải vào năm 2050. Nếu đi vào thực hiện, sau 25 năm, mức phát thải khí nhà kính ở Việt Nam sẽ giảm từ 75,15 triệu tấn xuống còn 30,34 triệu tấn. Đồng thời, nhu cầu sử dụng xăng và dầu xuống mức thấp, trong khi các loại năng lượng xanh như điện, hydrogen, methanol, amoniac tăng mạnh.
Các kịch bản này sử dụng 4 giải pháp chính gồm: sử dụng năng lượng hiệu quả; chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng; chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy và chuyển đổi nhiên liệu/năng lượng.