Phát biểu tại diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế Đổi mới tiếp cận – nâng tầm y tế Việt Nam diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới.
Cụ thể, phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao, hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của WHO.
Đồng thời, nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng và các cơ sở y tế, thông qua đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh.
Điều này nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh), dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Trong đó, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ đô la Mỹ.
“Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, gồm cả việc thành lập các cơ sở sản xuất thuốc để xuất khẩu sang các quốc gia khác. Bộ Y tế tin rằng dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong lĩnh vực dược còn rất nhiều”, Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.
Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước là nhập khẩu
TS Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết, trước đây tiền thuốc bình quân đầu người của nước ta chưa đến 5 đô la Mỹ thì đến nay ngành dược đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước, tiền thuốc bình quân đầu người tăng lên 70 đô la.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp nhất trong khu vực. Tỷ lệ các thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây được duy trì ở mức thấp dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường. Trong khi vào những năm 1990, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường chiếm đến hơn 10%.
“Dù vậy, ngành dược vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt. Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu. Tỷ lệ thuốc được đánh giá tương đương sinh học thấp, chỉ khoảng 10%.
Về sản xuất, Việt Nam đã phát triển số lượng các doanh nghiệp dược tuy nhiên thuốc sản xuất trong nước chưa có tính cạnh tranh cao. Hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc generic. Trên thị trường trong nước có hơn 800 dược chất lưu hành, song số lượng dược chất doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa quá 50%”, TS Hùng nói.
Vì thế, một trong những mục tiêu phát triển ngành dược trong thời gian tới là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh.
Bác sĩ Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group (Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu nâng tầm y tế và trở thành trung tâm khoa học, đổi mới trong khu vực. Việt Nam có thể bắt đầu từ việc nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, triển khai chuyển đổi số trong y tế…
“Việt Nam không đi một mình, chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu là trung tâm nghiên cứu và phát triển. Một trong những nội dung của diễn đàn năm nay là làm thế nào để giúp Việt Nam tăng cường nghiên cứu, phát triển ngành y tế”, BS Emin Turan nói.
Ngài Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cũng tin tưởng y tế Việt Nam sẽ có bước phát triển về công nghệ và chăm sóc sức khỏe theo công nghệ mới trong thời gian tới.
Đổi mới, phát triển có vai trò quan trọng trong việc đưa ra công cụ mới cho phòng bệnh và điều trị, tăng cường khả năng tiếp cận, nghiên cứu phát triển thuốc mới.