Tại hội thảo “Kinh nghiệm triển khai kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề” do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức tại TPHCM ngày 10/11, Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng cho biết, nguồn nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có sự mở rộng đáng kể về số lượng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, với 66 cơ sở đào tạo trình độ đại học, 102 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và 37 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp.
Trên 95.000 bác sĩ và hơn 106.000 điều dưỡng đã được đào tạo (thống kê đến năm 2020).
Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quy định phải đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề đã được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, là xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề khám chữa bệnh.
Qua khảo sát 23 nước trên thế giới, mô hình này được áp dụng tại đa số các nước chậm và đang phát triển trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển thuộc khối thịnh vượng chung. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 3 nước có điều kiện để cấp phép hành nghề đơn giản nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Thuấn nhận định, nước ta cần phải có những quy định về cấp chứng chỉ hành nghề bảo đảm tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Điều này sẽ tạo điều kiện để di chuyển tổ chức, cá nhân hành nghề của các nước đến Việt Nam tham gia vào hoạt động khám chữa bệnh và ngược lại, y bác sĩ Việt Nam có thể ra nước ngoài để hành nghề.
Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tại Điều 25 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Hội đồng Y khoa Quốc gia được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức thi đánh giá năng lực cho 8 chức danh.
Trong đó, chức danh bác sĩ sẽ bắt đầu thi từ năm 2027, sau đó sẽ đến chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh (từ năm 2028) và kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng (từ năm 2029).
Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, Hội đồng Y khoa Quốc gia đã dự kiến một lộ trình triển khai 6 năm từ 2024 tới 2029. Đây là một chặng đường dài, gian khổ, đòi hỏi sự kiên định, bền bỉ của những người trong cuộc.
Cụ thể, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ xây dựng và ban hành chuẩn các cơ sở thi đánh giá năng lực hành nghề theo từng chức danh, xây dựng đội ngũ giám thị, giám sát viên… đạt chuẩn.
Hội đồng y khoa cũng tiến hành giám sát, chấm thi theo ngân hàng câu hỏi và đề thi đã ban hành, thông báo kết quả, cấp giấy chứng nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, cần tiến hành đánh giá năng lực hành nghề trên cơ sở tiêu chuẩn chung, thống nhất trên toàn quốc và ASEAN, không quá khó để đánh đố thí sinh, đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch, nhanh chóng.
“Chúng tôi khuyến cáo các bệnh viện, nhận bác sĩ nào về cứ cho đi học cấp cứu 1 năm, sẽ yên tâm”, ông Lương Ngọc Khuê dẫn chứng về vấn đề tuyển chọn nhân lực ngành y.