Ngày 28/11, tại buổi tọa đàm chuyên đề về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tổ chức, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân.
Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015, 11,6% năm 2020; thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện…
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng gồm: Tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì; xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả …) và thiếu hoạt động thể lực.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao, khoảng 19,6% (năm 2020). Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 -19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, cụ thể tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm.
TS.BS Trần Khánh Vân, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), cho biết, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.
Không những vậy, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.
Đặc biệt với vitamin A có ý nghĩa rất quan trọng với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Hằng năm, thông qua hai đợt chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em trong độ tuổi trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ em được uống Vitamin A thường xuyên được duy trì trên 98% (tương đương với hơn 6 triệu trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi). Hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc.
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng, giúp cho trẻ phát triển bình thường. Vitamin A cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn của giác mạc và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn…
Ngoài việc cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại xã phường 2 lần/năm, Viện Dinh dưỡng khuyến cáo mỗi gia đình thực hiện đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.
Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.